Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng là căn bệnh thường gặp ở lứa tuổi 30 - 50. Nếu không chữa trị sớm, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí gây thủng dạ dày, ung thư dạ dày,...
1. Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng là gì?
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý gây tổn thương viêm, loét trên niêm mạc dạ dày và tá tràng (phần đầu của ruột non). Bệnh phổ biến ở người trong độ tuổi 30 - 50 và nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), lạm dụng thuốc kháng viêm, giảm đau, ảnh hưởng của thuốc hóa trị, xạ trị, thiếu máu,... Ngoài ra, tiền sử gia đình, thói quen ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, uống rượu bia, căng thẳng thần kinh kéo dài,... cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng như sau:
- Đau bụng vùng thượng vị (vùng trên rốn): Là triệu chứng có mặt ở hầu hết các ca mắc viêm loét dạ dày tá tràng. Tính chất cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau dữ dội tùy vị trí ổ loét. Nếu bị loét dạ dày, bệnh nhân thường đau sau ăn khoảng vài chục phút tới vài tiếng. Với loét tá tràng, cơn đau thường xuất hiện khi đói hoặc sau khi ăn khoảng 2 - 3 giờ, đau nhiều vào buổi đêm;
- Đau âm ỉ kéo dài từng cơn, có tính chu kỳ và thành từng đợt;
Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng khác như buồn nôn và nôn, chán ăn, ợ chua, cảm giác nóng rát dạ dày, đầy chướng bụng. Trong đợt loét có thể bị sụt cân, sau đó cân nặng trở lại trạng thái bình thường.
Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng gây rối loạn tiêu hóa ở người bệnh
2. Biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Nhiều người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng chủ quan, không điều trị dứt điểm nên bệnh dễ tái phát. Tình trạng bệnh tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Hẹp môn vị: Viêm dạ dày tá tràng kéo dài có thể dẫn tới phù nề niêm mạc, gây tình trạng chít hẹp lòng lá tràng khiến thức ăn khó đi qua, môn vị. Khi bị hẹp môn vị, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau bụng, nôn mửa dữ dội, dịch nôn có mùi hôi. Khi hẹp môn vị tiến triển, người bệnh có triệu chứng đau thượng vị nhiều hơn với biểu hiện đau âm ỉ hoặc dữ dội. Đồng thời, việc nôn mửa nhiều khiến người bệnh mất nước, mất cân bằng điện giải, dễ dẫn tới mệt mỏi và khó chịu. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ sụt cân nhiều, da xanh tái, cơ thể thường xuyên mệt mỏi;
- Xuất huyết tiêu hóa: 15 - 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng từng bị xuất huyết tiêu hóa. Về nguyên lý, khi tình trạng viêm loét kéo dài, vết loét sẽ càng sâu, axit dạ dày càng làm bào mòn vết loét nhiều hơn, gây tổn thương các tế bào. Các mạch máu có thể bị vỡ, gây chảy máu vào ống tiêu hóa, dẫn tới triệu chứng nôn ra máu, đau bụng dữ dội vùng thượng vị, cơn đau có thể lan ra khắp bụng, bụng cứng, toát mồ hôi,... Trường hợp loét tá tràng, máu có thể chảy âm ỉ hoặc ồ ạt, người bệnh có thể đại tiện ra phân đen (mùi hôi hoặc tanh nồng) hoặc phân màu đỏ tươi. Tình trạng xuất huyết tiêu hóa nặng gây mất máu nhiều có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân;
- Thủng dạ dày: Bệnh nhân gặp biến chứng thủng dạ dày có triệu chứng đau bụng dữ dội đột ngột, bụng gồng cứng, có tình trạng sốc,... Nếu không được cấp cứu kịp thời, thủng dạ dày có thể dẫn tới viêm phúc mạc, dễ dẫn đến tử vong. Đặc biệt, biến chứng này có thể xảy ra rất đột ngột, khiến bệnh nhân và người nhà không kịp phản ứng;
Một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày là ung thư dạ dày
- Ung thư dạ dày: Là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng vì có tỷ lệ tử vong cao. Tỷ lệ ung thư hóa dạ dày gặp ở 5 - 10% bệnh nhân, chủ yếu ở người bị viêm loét trên 10 năm. Trường hợp phát hiện ung thư dạ dày sớm, thời gian sống thêm 5 - 10 năm của bệnh nhân khá cao. Tuy nhiên, vì dấu hiệu của bệnh thường không điển hình, dễ nhầm lẫn với viêm dạ dày nên đa số người bệnh chủ quan, chỉ phát hiện bệnh khi đã bước sang giai đoạn muộn. Các dạng viêm loét tiền môn vị, môn vị, viêm loét bờ cong nhỏ, viêm loét hang vị dạ dày có nguy cơ biến chứng ung thư dạ dày cao hơn cả.
Các biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng kể trên đều rất nghiêm trọng, có thể cần can thiệp cấp cứu. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ các biến chứng trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán phát hiện bệnh.
3. Phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng như thế nào?
Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt,... là các biện pháp giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng tốt hơn, giúp cải thiện triệu chứng khó chịu của bệnh và giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Một số lưu ý giúp phòng bệnh hữu hiệu gồm:
- Thay đổi chế độ ăn uống: Mỗi người cần ăn chậm, nhai kỹ, ăn uống đúng giờ và tránh bỏ bữa (đặc biệt là bữa sáng), không ăn sau 8 giờ tối, không ăn quá no hoặc để quá đói, tránh ăn đồ quá chua, cay, nóng, lạnh, khô, ngọt,... Đồng thời, các thức ăn nhanh, đồ hộp hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều muối, rượu, bia, trà, cà phê, thuốc lá,... cũng cần phải hạn chế. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm vitamin A, D, B12, K, canxi, sắt, kẽm,... từ ngũ cốc, rau củ quả tươi, tinh bột dễ tiêu, dầu thực vật,... để trung hòa axit dạ dày tốt hơn;
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Mỗi người nên duy trì thói quen vận động hợp lý, tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút/ngày, 5 lần/tuần để có sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái. Duy trì thói quen nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, giữ tâm trạng thư giãn, tránh căng thẳng, giữ gìn vệ sinh cá nhân,... cũng là bí kíp phòng ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng hiệu quả;
- Chú ý tới việc khám sức khỏe: Cần hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh, thuốc giảm đau, khi dùng các loại thuốc trên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh gây ảnh hưởng xấu tới niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, người bệnh nên tái khám đúng hẹn, mang theo các loại giấy tờ cần thiết và loại thuốc đang dùng để bác sĩ đối chiếu, đưa ra lời khuyên tốt nhất.
Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cải thiện triệu chứng viêm loét dạ dày – tá tràng
Các biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng đều rất nguy hiểm nhưng nếu có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tái khám đúng hẹn,... thì người bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được những vấn đề này.
Mọi yêu cầu, thắc mắc về sức khoẻ của bạn xin gọi điện thoại hay gởi e-mail đến PHÒNG KHÁM ĐA KHOA MEDIC để được các bác sĩ chuyên khoa giải đáp và tư vấn tận tình.
MEDIC CITY
TRỤ SỞ CHÍNH
Địa chỉ: 4/27A quang trung, Ấp Nam Thới,Xã Thới Tam Thôn. Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh
Website :phongkhammediccity.com
Hotline: 0326 317 979
Email: medichcm@gmail.com, mediccity.clinic@gmail.com
Nguồn:https://vinmec.com/vi/