Đàn ông tiểu khó, bệnh gì?

Đàn ông tiểu khó, bệnh gì?
09:24:31 01/02/2021

 

 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu -  Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.

Chứng tiểu khó thường gặp ở đàn ông, đặc biệt là những người lớn tuổi. Tuy nhiên, nhiều người thường không đi khám do ngại ngùng. Tiểu khó ở nam giới khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn, phiền phức và lo lắng thậm chí mất ngủ.

1. Tìm hiểu về chứng tiểu khó

Nước tiểu được tiết ra bởi thận và được chứa đựng trong bàng quang. Khi đi tiểu, nước tiểu sẽ theo niệu đạo dẫn từ bàng quang qua tuyến tiền liệt và dương vật ra bên ngoài cơ thể. Xung quanh niệu đạo ở đoạn tuyến tiền liệt có một vòng cơ gọi là cơ thắt vân niệu đạo giúp giữ nước tiểu trong giai đoạn chứa đựng của bàng quang.

Tiểu khó ở nam giới là khi đi tiểu phải rặn mạnh, rặn lâu thì nước tiểu mới ra ngoài được. Việc này khiến cho người bệnh rất phiền phức, gây nhiều khó khăn và phải ở trong nhà vệ sinh lâu hơn người bình thường. Khó tiểu không phải là một bệnh mà là một triệu chứng bất thường của đường tiết niệu.

Khi bàng quang đầy nước tiểu, các tín hiệu thần kinh báo cho cơ thắt giữ chặt và cơ bàng quang giãn. Các dây thần kinh và cơ hoạt động cùng nhau để ngăn nước tiểu chảy ra khỏi cơ thể. Khi đi tiểu, các tín hiệu thần kinh báo cho các cơ thắt giãn và cơ bàng quang co bóp giúp tống xuất nước tiểu ra khỏi bàng quang qua niệu đạo và ra khỏi cơ thể.

Tiểu khó ở nam giới ngày càng phổ biến, đặc biệt ở những người trên 50 tuổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: Tắc nghẽn đường ra bàng quang liên quan, bệnh thần kinh, suy giảm nhận thức và cắt bỏ tuyến tiền liệt trước đó.

Dân số già càng tăng và số ca can thiệp phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt ngày càng tăng. Đồng nghĩa với việc tỷ lệ mắc chứng khó tiểu sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt đang gia tăng nhanh chóng.

Bí tiểu khiến cho người bệnh rất phiền phức

2. Dấu hiệu nhận biết chứng tiểu khó ở nam giới

Những biểu hiện của chứng tiểu khó ở nam giới bao gồm:

  • Tiểu không hết nước tiểu: Khi tiểu xong, người bệnh không có cảm giác thoải mái nhẹ nhàng, thay vào đó là cảm giác nặng ở vùng dưới rốn hay vùng hạ vị.
  • Tiểu nhiều lần: Chính vì tiểu không hết nên người bệnh thường xuyên có cảm giác mắc tiểu, khoảng 15 - 30 phút lại phải đi một lần, rất bất tiện khi người bệnh đang đi trên tàu xe hay ở những nơi công cộng.
  • Tia nước tiểu nhỏ, yếu, tiểu rớt xuống chân, người bệnh thường phải rặn nhiều nước tiểu mới ra.
  • Tiểu rắt, tiểu đau: Khi đi tiểu cảm thấy đau, nhau mày,...

3. Nguyên nhân gây ra chứng bí tiểu ở nam giới

Đi tiểu bình thường là kết quả hoạt động bình thường của các cơ quan từ bàng quang, cổ bàng quang, ống niệu đạo tới lỗ tiểu ngoài. Bàng quang co bóp nhịp nhàng cộng với việc giãn nở của cổ bàng quang và sự thông suốt của ống niệu đạo. Chứng tiểu khó xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do sự bất thường của đường tiết niệu.

3.1 Bàng quang không co bóp

  • Bàng quang không co bóp tốt được: Hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, tai biến mạch máu não, liệt bàng quang, chấn thương vùng cột sống.
  • Cổ bàng quang không giãn nở được: Do xơ chai, do hẹp cổ bàng quang.

3.2 Phì đại tuyến tiền liệt

Tiền liệt tuyến là một cơ quan có kích thước khoảng 4x3 cm, dày 2,5cm, nặng 20 gam nằm ở đáy bàng quang. Tiền liệt tuyến có nhiệm vụ sản xuất ra chất nhờn góp phần tạo nên tinh dịch. Tiền liệt tuyến chỉ có ở đàn ông và lớn dần theo tuổi. Tuyến tiền liệt ôm vòng quanh cổ bàng quang, dòng nước tiểu chảy ra sẽ đi xuyên qua tuyến. Khi tiền liệt tuyến lớn sẽ làm cản trở dòng nước tiểu gây nên tiểu khó, tiểu nhiều lần, tia nước tiểu yếu. Tiểu khó và nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần dẫn tới viêm bàng quang, viêm thận, thậm chí là suy thận.

Phì đại tiền liệt tuyến hay gặp ở đàn ông lớn tuổi gây hẹp cổ bàng quang. Ở Việt Nam có khoảng 45%-70% đàn ông lớn tuổi mắc bệnh này. Tỉ lệ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt và mức độ trầm trọng của bệnh thường gia tăng theo tuổi.

Phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới

3.3 Tắc nghẽn niệu đạo

Tắc nghẽn ở niệu đạo xảy ra do hẹp niệu đạo hoặc do sỏi niệu đạo.

4. Chẩn đoán chứng bí tiểu ở nam giới

Để chẩn đoán chứng khó tiểu ở nam giới là do nguyên nhân nào, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu tìm PSA (chất biểu hiện đặc trưng của tiền liệt tuyến), khi lượng PSA của tiền liệt tuyến ở trong máu cao thì nghi ngờ có ung thư tiền liệt tuyến.
  • Chụp X-quang để tìm nguyên nhân của sỏi đường tiết niệu, cần thiết sẽ chụp CT, MRI để chẩn đoán nguyên nhân chính xác hơn.
  • Siêu âm đo được độ lớn của tiền liệt tuyến, có ảnh hưởng ứ nước ở thận hay chưa. Siêu âm qua ngã trực tràng chẩn đoán kích thước của tiền liệt tuyến chính xác hơn đồng thời có thể kết hợp với sinh thiết tiền liệt tuyến nếu nghi ngờ có ung thư.

Tóm lại, chứng khó tiểu khó ở nam giới là do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, khi có triệu chứng tiểu khó nên đến các bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân và được can thiệp kịp thời. Đặc biệt đối với những nam giới trên 50 tuổi, cần đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện phì đại tiền liệt tuyến sớm.