Di chứng của bỏng: Những điều cần biết

Di chứng của bỏng: Những điều cần biết
08:30:10 01/02/2021

 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ hồi sức cấp cứu . Bác sĩ đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong Hồi sức cấp cứu.

Đa số các vết thương do bỏng đều có thể phục hồi dần theo thời gian. Tuy nhiên, những trường hợp bỏng nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại nhiều di chứng về thẩm mỹ, tâm lý hay các biến chứng nguy hiểm.

1. Nguyên nhân gây bỏng

Bỏng là một loại tổn thương hoại tử, gây ra bởi nhiều nguyên nhân như nhiệt, điện, hóa chất,... Bỏng do sinh hoạt: chiếm 65% số ca bị bỏng. Trong đó, số ca bị bỏng do tai nạn lao động là khoảng 10%, số còn lại do tai nạn giao thông, điều trị, thiên tai,...

Các tác nhân gây bỏng chủ yếu gồm:

  • Nhiệt ướt: nước sôi, thức ăn nóng có nhiệt độ 50 - 100oC, dầu mỡ sôi nóng 180oC, hơi nóng nồi cao áp,...
  • Nhiệt khô: bỏng lửa, bỏng xăng cồn, bỏng do kim loại nóng,...
  • Điện: tia lửa điện hoặc luồng điện cao thế, sét,... gây bỏng.
  • Hóa chất: bỏng do tiếp xúc với các chất oxy hóa, chất ăn mòn, chất khử oxy, chất kiềm,...
  • Bức xạ: bỏng khi chịu ảnh hưởng bởi tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia phóng xạ,...

Vết bỏng do tiếp xúc với ngọn lửa

2. Các mức độ tổn thương bỏng

Có 4 mức độ tổn thương bỏng như sau:

Bỏng độ 1

Là loại bỏng gây tổn thương da nhỏ nhất. Bỏng độ 1 còn được gọi là bỏng bề mặt vì chỉ gây ảnh hưởng tới lớp ngoài cùng của da với các dấu hiệu đỏ da, sưng, đau, khô, bong tróc da (xảy ra khi vết bỏng đang lành). Bỏng độ 1 thường khỏi sau 3 – 6 ngày.

Bỏng độ 2

Nghiêm trọng hơn độ 1 vì tổn thương đã lan xuống lớp dưới của da. Bỏng độ 2 có biểu hiện là da bị phồng rộp, đỏ và sưng nhiều. Một số nốt phồng rộp có thể bị hở, làm vết bỏng ở trong tình dạng ẩm ướt.

Vì vậy, khi bị bỏng độ 2 bệnh nhân cần được băng vết thương để tránh nhiễm trùng, giúp vết bỏng mau lành hơn. Thông thường vết bỏng độ 2 sẽ lành sau khoảng 2 – 3 tuần. Vậy bỏng độ mấy cần ghép da? Thường thì bỏng độ 2 là đã có thể được cấy ghép da để giúp da nhanh lành hơn.

Bỏng độ 2 gây phồng rộp và khá lâu lành

Bỏng độ 3

Là loại bỏng nặng nhất, gây tổn thương nghiêm trọng nhất, lan cả tới những lớp da sâu hơn. Tổn thương bỏng độ 3 có thể chạm tới cả mạch máu, các cơ quan quan trọng trong cơ thể và xương, có thể dẫn tới tử vong.

Bỏng độ 4

Sự tổn thương của bỏng độ 3 lan xuống dưới da, lan vào tới gân và xương.

3. Các di chứng của bỏng

Tất cả các cấp độ bỏng đều làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì vi khuẩn có thể xâm nhập vào vùng da bị hở. Nhiễm trùng máu có thể xảy ra trong những trường hợp nặng nhất, có thể dẫn tới sốc và tử vong.

Di chứng sau bỏng thường gặp nhất là các vết sẹo phì đại, sẹo lõm, sẹo lồi và sẹo co kéo. Ngoài ra, một số vết bỏng còn gây di chứng dính tổ chức, loét thiểu dưỡng hay ung thư hóa trên nền sẹo,... Mức độ nặng nhẹ của các di chứng bỏng phụ thuộc vào độ sâu, vị trí bỏng và phương pháp điều trị.

Di chứng sau bỏng thường là các vết sẹo có độ nặng nhẹ khác nhau

Nếu sẹo bỏng nằm ở những vùng liên quan tới vận động như khớp cánh tay, chân, bàn tay,... thì sẽ làm giới hạn chức năng các khớp. Ngoài ra, vì vết sẹo do bỏng có diện tích khá rộng nên ảnh hưởng cũng khá lớn. Phức tạp nhất là sẹo bỏng ở bàn tay, đặc biệt là ảnh hưởng tới các ngón tay, khiến các ngón tay dính với nhau, khó phẫu thuật và phục hồi chức năng sau bỏng.

Ngoài vấn đề sức khỏe, hậu quả của bỏng còn là yếu tố thẩm mỹ và có thể gây ra các tổn thương về tâm lý cho bệnh nhân.

4. Điều trị di chứng bỏng

Điều trị di chứng của bỏng nhằm mục đích cải thiện sức khỏe, phục hồi công năng, thể hình và thẩm mỹ cho bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng sống của người bệnh.

4.1 Các phương pháp điều trị di chứng sau bỏng

  • Dùng thuốc: corticosteroid tiêm vào sẹo, các thuốc nhóm kháng histamin, methotrexat, penicillamin, colchicin, hirudoid, madecassol,... bôi tại chỗ.

Dùng thuốc bôi làm mờ vết sẹo bỏng

  • Biện pháp cơ học: băng ép tạo lực, băng ép kết hợp gel silicon, dụng cụ cố định tứ chi, cổ,...
  • Liệu pháp vật lý: áp lạnh cục bộ, chiếu tia X, siêu âm, điện xung giảm đau trong sẹo, sử dụng laser CO2, các loại laser màu,...
  • Phẫu thuật: Giúp phục hồi cấu trúc giải phẫu, phục hồi chức năng và thẩm mỹ, chú ý tới yếu tố tâm lý người bệnh và tổ chức tại chỗ phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật điều trị di chứng của bỏng gồm chuyển vạt da, phẫu thuật ghép da, giãn tổ chức.

Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp đóng vai trò chủ yếu trong điều trị di chứng sau bỏng, nhất là sẹo co kéo. Thông thường sau 6 tháng vết bỏng thành sẹo sẽ được chỉ định phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ cần chắc chắn sẹo đã ổn định, không còn tế bào viêm. Bên cạnh đó, với các vết bỏng lớn, phức tạp, cần có kế hoạch thích hợp lâu dài, phẫu thuật từng đợt, giải quyết từng bước, có thể kết hợp với liệu pháp vận động cho bệnh nhân phục hồi chức năng các cơ quan.

4.2 Phục hồi chức năng cho bệnh nhân bỏng

Các bác sĩ điều trị sẽ thăm khám, định ra các kế hoạch điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân bỏng từ lúc nhập viện tới khi ra viện. Ngoài ra, sau khi ra viện, bệnh nhân bỏng cũng cần tập luyện theo một chương trình nhất định để chống lại các di chứng do sẹo bỏng gây ra.

Bên cạnh đó, việc điều trị tâm lý cho bệnh nhân bỏng cũng cần được quan tâm đúng mức. Sau khi ra viện, bệnh nhân cũng thường có tâm lý tự tin về hình thể, ngại tiếp xúc, khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng. Lúc này, người bệnh cần được tư vấn, giúp đỡ kịp thời để gạt bỏ chướng ngại giao tiếp.

5. Cách phòng ngừa bỏng

Bỏng ở mức độ nặng hay nhẹ đều để lại nhiều di chứng. Vì vậy, mọi người cần chủ động phòng ngừa bỏng bằng cách làm theo những hướng dẫn sau:

  • Trang bị bình cứu hỏa tại nhà và gần khu vực nấu ăn.
  • Không để trẻ em, người cao tuổi gần các khu vực dễ bị bỏng như bếp nấu, bảng điện,...
  • Kiểm tra nhiệt độ nước nóng khi uống nước, tắm, rửa tay,...
  • Đeo găng tay và khẩu trang khi sử dụng hóa chất.
  • Dùng kem chống nắng để bảo vệ da khi đi ra ngoài, tránh bỏng bởi tia tử ngoại trong những ngày nắng nóng.
  • Thiết kế nhà ở, trường học, văn phòng,... cần có lối thoát hiểm để kịp thời thoát nạn khi có sự cố hỏa hoạn.

Mọi yêu cầu, thắc mắc về sức khoẻ của bạn xin gọi điện thoại hay gởi e-mail đến PHÒNG KHÁM ĐA KHOA MEDIC để được các  bác sĩ chuyên khoa  giải đáp và tư vấn tận tình.

MEDIC CITY

TRỤ SỞ CHÍNH

Địa chỉ: 4/27A quang trung, Ấp Nam Thới,Xã Thới Tam Thôn. Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh

Website :phongkhammediccity.com

Hotline: 0326 317 979

Email: medichcm@gmail.com

Nguồn:https://vinmec.com/vi/