Điều trị ngộ độc rượu Ethanol cấp

Điều trị ngộ độc rượu Ethanol cấp
09:48:57 01/02/2021

 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - 

Ngộ độc rượu Ethanol cấp là khi bệnh nhân uống nhiều hoặc có các biến chứng như chấn thương, hạ đường huyết,... Khi bị ngộ độc rượu Ethanol có thể dẫn tới hôn mê, suy hô hấp và thậm chí là tử vong.

1. Ngộ độc rượu Ethanol cấp là gì?

Rượu là loại thức uống bị lạm dụng phổ biến nhất trên thế giới. Ngộ độc rượu cấp tính có thể gây hôn mê, suy hô hấp và tử vong. Các trường hợp bệnh nặng thường do uống nhiều hoặc có các biến chứng như chấn thương, hạ đường huyết,.... Cần phân biệt ngộ độc rượu Ethanol (C2H5OH) với các rượu khác đặc biệt là Methanol (CH3OH) và Ethylen Glycol (C2H6O2).

Trong rượu có chứa thành phần Ethanol và nhiều chất khác. Sau khi cơ thể dung nạp rượu thì nồng độ Ethanol sẽ tăng dần trong máu và lúc này Ethanol sẽ ức chế thần kinh trung ương. Nồng độ Ethanol trong máu ít tương quan với mức độ nhiễm độc do khả năng dung nạp tức là tùy thuộc vào tình trạng cơ thể của từng người và lượng rượu đã uống. Trung bình, người không nghiện rượu chuyển hóa Ethanol với tốc độ 20 mg/dL/giờ, trong khi những người nghiện rượu mạn tính chuyển hóa Ethanol với tốc độ 30 mg/dL/giờ.

Khi uống nhiều rượu, người uống sẽ say rượu và có các biểu hiện như rối loạn hành vi, sau đó bệnh nhân đi vào tình trạng ức chế, li bì. Khi nồng độ rượu trong máu quá cao, bệnh nhân sẽ bị ngộ độc rượu.

2. Chẩn đoán ngộ độc rượu Ethanol

Ngộ độc rượu Ethanol cấp gây ra nhiều rối loạn tâm thần và thực thể

Ngộ độc rượu Ethanol cấp gây ra nhiều rối loạn tâm thần và thực thể. Để chẩn đoán, cần bao gồm các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm hỗ trợ:

2.1 Dấu hiệu và triệu chứng:

  • Trên lâm sàng thường có các triệu chứng qua các giai đoạn và tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau:

+ Giai đoạn kích thích: Sảng khoái, hưng phấn thần kinh (vui vẻ, nói nhiều), giảm khả năng tự kiềm chế (mất điều hòa, kích thích, hung hãn). Vận động phối hợp bị rối loạn: đi đứng loạng choạng.

+ Giai đoạn ức chế: Tri giác giảm dần, giảm khả năng tập trung, lú lẫn. Phản xạ gân xương giảm, trương lực cơ giảm. Giãn mạch ngoại vi.

+ Giai đoạn hôn mê: Hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi sặc. Giãn mạch, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, trụy mạch. Hạ thân nhiệt. Hạ đường huyết. Co giật, tiêu cơ vân, rối loạn điện giải, toan chuyển hóa.

  • Đôi khi các triệu chứng lâm sàng là thứ phát của ngộ độc rượu như chấn thương do tai nạn...

2.2 Xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Các xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán, theo dõi ngộ độc rượu Ethanol cấp là:
    • Định lượng nồng độ Ethanol (khuyến cáo nên làm thêm Methanol trong máu, do thường có ngộ độc phối hợp)
    • Bilan xét nghiệm cơ bản: khí máu, công thức máu, urêglucosecreatinin, điện giải, AST, ALT, CPK, điện tim, tổng phân tích nước tiểu giúp đánh giá tình trạng các cơ quan và tiên lượng tình trạng ngộ độc.
    • Đo áp lực thẩm thấu máu (ALTT) bằng máy.
    • Khoảng trống ALTT = ALTT đo được - ALTT ước tính

[ALTT máu ước tính = Na x 2 + Ure (mmol/L) + Glucose (mmol/L)]

    • Khoảng trống ALTT tăng nếu >10 mOsm/kg, ở đây là do rượu gây nên, tuy nhiên không cho biết cụ thể là do Methanol, Ethanol hay Glycol;
    • Ước tính nồng độ rượu thông qua khoảng trống ALTT [Nồng độ rượu ước tính = 4,6 x khoảng trống ALTT(mg/dL)], chỉ có thể áp dụng được khi trong máu chỉ có Ethanol đơn thuần.
  • Các xét nghiệm khác để tìm tổn thương cơ quan khác hoặc biến chứng trong: x- quang phổi, CT-scanner sọ não, siêu âm bụng, nội soi tiêu hóa...

2.3 Chẩn đoán

  • Xác định: Dựa vào Bệnh sử có uống rượu, biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm
  • Phân biệt:
  • Ngộ độc Methanol
  • Hôn mê do đái tháo đường: Tiền sử, hôn mê do tăng ALTT, hôn mê hạ đường huyết hoặc do nhiễm toan.
  • Hôn mê do ngộ độc thuốc: an thần, gây ngủ, thuốc phiện: tiền sử dùng thuốc, hôn mê sâu yên tĩnh, xét nghiệm tìm thấy độc chất trong dịch dạ dày, nước tiểu.

Rối loạn ý thức do các nguyên nhân khác: viêm não, màng não, đột quỵ não...

3. Điều trị ngộ độc rượu Ethanol cấp

Nếu bệnh nhân ngộ độc ở mức nhẹ cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi và truyền dịch

3.1 Điều trị ngộ độc ở mức độ nhẹ

  • Cho bệnh nhân nghỉ ngơi yên tĩnh.
  • Truyền dịch, Glucose và Vitamin B1.

3.2 Điều trị ngộ độc ở mức độ nặng

  • Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: hôn mê sâu, co giật, ứ đọng đờm rãi, tụt lưỡi, suy hô hấp, thở yếu, ngừng thở...
  • Đặt bệnh nhân nằm tư thế an toàn, khai thông đường thở, hỗ trợ hô hấp, đường thở nâng cao tùy theo bệnh cảnh lâm sàng
  • Bù dịch, cân bằng điện giải toan kiềm, đảm bảo thể tích tuần hoàn và lượng nước tiểu, chống tiêu cơ vân.
  • Truyền glucose ưu trương để điều trị và dự phòng hạ đường huyết
  • Các thuốc hỗ trợ triệu chứng như chống nôn khi bệnh nhân nôn nhiều, bảo vệ dạ dày, Vitamin B1
  • Hạ thân nhiệt: ủ ấm.
  • Điều trị các chấn thương phối hợp nếu có
  • Tăng thải trừ chất độc:

+ Đặt sonde dạ dày và hút dịch

Thận nhân tạo có thể cân nhắc chỉ định trong các trường hợp: suy thận,tiêu cơ vân,toan chuyển hóa, rối loạn điện giải nặng.

Video đề xuất:

Bác sĩ Trịnh Ngọc Duy hướng dẫn sơ cứu ngộ độc rượu

Nếu phát hiện chấn thương và biến chứng khác cần xử trí kịp thời.

 

Mọi yêu cầu, thắc mắc về sức khoẻ của bạn xin gọi điện thoại hay gởi e-mail đến PHÒNG KHÁM ĐA KHOA MEDIC để được các  bác sĩ chuyên khoa  giải đáp và tư vấn tận tình.

MEDIC CITY

TRỤ SỞ CHÍNH

Địa chỉ: 4/27A quang trung, Ấp Nam Thới,Xã Thới Tam Thôn. Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh

Website :phongkhammediccity.com

Hotline: 0326 317 979

Email: medichcm@gmail.com

Nguồn:https://vinmec.com/vi/