Làm các kỹ thuật y tế nào để chẩn đoán vẹo vách ngăn mũi

Làm các kỹ thuật y tế nào để chẩn đoán vẹo vách ngăn mũi
14:41:07 04/02/2021

Vẹo vách ngăn mũi là một bất thường hay gặp ở trẻ nhỏ, thường xuất hiện khi trẻ được 6 tuổi (đôi khi gặp ở trẻ 2-3 tuổi). Bệnh không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều triệu chứng khó chịu cho trẻ như nghẹt mũi, viêm mũi xoang tái đi tái lại nhiều lần.

1. Vẹo vách ngăn mũi là gì?

Vách ngăn mũi là cấu trúc giải phẫu dạng vách mỏng, hình thành từ các mảnh sụn và xương. Vách ngăn nằm giữa, phân cách hốc mũi trái và hốc mũi phải. Tuy nhiên, vách ngăn mũi ở đa số người bình thường cũng không nằm chính giữa mà hay gặp tình trạng lệch vách ngăn.

Vẹo vách ngăn mũi là bệnh lý xảy ra khi vách ngăn mũi không nằm ở vị trí bình thường mà bị vẹo hay lệch qua một bên quá nhiều đủ để gây ra nhiều biểu hiện ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hằng ngày của người bệnh.

2. Nguyên nhân gây vẹo vách ngăn mũi

Một số nguyên nhân gây vẹo vách ngăn bao gồm:

  • Dị tật bẩm sinh: Trong một số trường hợp, quá trình phát triển của thai nhi bất thường làm ảnh hưởng đến vị trí vách ngăn mũi. Chính sự phát triển không cân xứng của xương lá mía, sụn vách ngăn và mảnh đứng xương sàng gây nên bệnh lý vẹo vách ngăn mũi, do đó bệnh có thể xuất hiện ngay sau khi em bé chào đời.
  • Tổn thương trong quá trình phát triển thai nhi: Ở trẻ sơ sinh, chấn thương mũi có thể xảy ra do chèn ép quá mức vùng mũi trong thời kỳ mang thai vì một nguyên nhân nào đó cũng có thể gây ra vẹo vách ngăn mũi sau sinh.
  • Sang chấn lúc sinh: Trong quá trình trẻ sinh tự nhiên qua đường âm đạo với các lực chèn ép cũng là nguyên nhân gây vẹo vách ngăn
  • Chấn thương mũi: Vẹo vách ngăn mũi do chấn thương ở vùng mặt hoặc mũi là nguyên nhân trực tiếp và hay gặp nhất. Ở trẻ em và người lớn, những tai nạn có thể gây vẹo vách ngăn bao gồm vấp ngã, va chạm mạnh với người khác, đôi khi chấn thương mũi xảy ra trong các môn thể thao, trò chơi hoạt động mạnh, nô đùa quá mức hoặc do hậu quả của tai nạn giao thông.

Chảy máu mũi do chấn thương

Vẹo vách ngăn mũi do chấn thương ở vùng mặt hoặc mũi là nguyên nhân trực tiếp và hay gặp nhất

3. Phân loại vẹo vách ngăn mũi

Vách ngăn mũi bị vẹo có thể có các hình thái sau đây:

  • Vẹo vách ngăn đơn thuần (vẹo chữ C)
  • Vẹo vách ngăn phức tạp (vẹo chữ S)
  • Gai vách ngăn: Bất thường tại một vị trí trên vách ngăn, nhô ra như gai hoa hồng.
  • Mào vách ngăn: Bất thường nhô ra suốt chiều dài vách ngăn.
  • Dày chân vách ngăn: Dày ở phần thấp của vách ngăn.

4. Dấu hiệu của vẹo vách ngăn mũi là gì?

Các triệu chứng của vẹo vách ngăn mũi thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý vùng mũi họng khác. Các dấu hiệu hay gặp bao gồm:

  • Nghẹt mũi: Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Khi vách ngăn bị vẹo ở 2cm đầu tiên, vị trí này lại là điểm bắt đầu của van mũi. Do đó, bất thường này ảnh hưởng đến sự lưu thông khí khi hít thở và làm người bệnh nghẹt mũi, hít thở khó khăn.
  • Đau đầu: Thường gặp ở các trường hợp vẹo vách ngăn mũi phần cao, thường đau ở vùng thái dương, đỉnh, chẩm.
  • Cảm giác đau ê ẩm trong mũi hoặc hai bên rễ mũi.
  • Biến dạng tháp mũi
  • Chảy nước mũi hoặc chảy máu mũi.
  • Hắt hơi.
  • Giảm độ nhạy khứu giác.

Nghẹt mũi

Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị vẹo vách ngăn mũi

5. Chẩn đoán vẹo vách ngăn mũi như thế nào?

Với các dấu hiệu nghi ngờ có vẹo vách ngăn mũi, bác sĩ sẽ thăm khám vùng mũi bằng đèn đeo trán và banh mũi để quan sát trực tiếp vị trí vẹo trên vách ngăn mũi.

Chẩn đoán vẹo vách ngăn mũi bằng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh:

  • Nội soi mũi là phương pháp quan sát trực tiếp toàn bộ vách ngăn mũi và giúp chẩn đoán bệnh lý vẹo vách ngăn.
  • X-quang thông thường: Chụp X-quang vùng mặt có thể thấy vẹo ở phần vẹo vách ngăn phần xương, nhưng không cho thấy rõ vẹo phần sụn.
  • CT và MRI: Hình ảnh cho thấy nhiều chi tiết hữu ích của những vùng hẹp nhất của mũi như nóc mũi hay khe khứu
  • Khí mũi kế (rhinomanometry) để đo áp lực thở của từng hốc mũi đư­ợc cụ thể hơn hoặc có thể ghi nhận lại kết quả để theo dõi về sau.
  • Đo mũi bằng sóng âm: Cho ta những thông tin về diện tích cắt ngang của mũi và vị trí của nó, như thế có thể xác định được vị trí nghẹt.

Nhìn chung, việc chẩn đoán vẹo vách ngăn mũi có thể chính xác thông qua các triệu chứng lâm sàng và CT hoặc MRI.

6. Điều trị vẹo vách ngăn mũi

Phẫu thuật não

Điều trị ngoại khoa là phương pháp triệt để để giải quyết tình trạng vẹo vách ngăn mũi

  • Điều trị nội khoa

Các dấu hiệu của vẹo vách ngăn mũi gây ra do sự tắc nghẽn cơ học, do đó điều trị nội khoa chỉ là điều trị triệu chứng ngắn ngày bằng thuốc co mạch tại chỗ, thuốc chống dị ứng và chống viêm nếu có dị ứng và viêm nhiễm kèm theo, còn nguyên nhân thì vẫn chưa giải quyết được

Điều trị bằng thuốc co mạch tại chỗ thường xuyên và kéo dài để giảm nghẹt mũi chỉ làm cho tình trạng ngày một xấu hơn do tình trạng viêm mũi do thuốc.

  • Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa là phương pháp triệt để để giải quyết tình trạng vẹo vách ngăn mũi. Có 2 phương pháp điều trị bằng phẫu thuật bao gồm:

  • Xén vách ngăn dưới niêm mạc
  • Chỉnh hình vách ngăn: Cottle đã phát triển kỹ thuật này vào những năm 50 của thế kỉ XX. Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, ngày nay các phẫu thuật viên đã áp dụng nội soi vào phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi. Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn được thực hiện khi: Các triệu chứng không giảm khi dùng thuốc, người bệnh vẫn còn gặp nhiều khó chịu do tình trạng vẹo vách ngăn gây ra hoặc xuất hiện biến chứng vẹo vách ngăn như viêm xoang tái phát nhiều lần. Chỉnh hình vách ngăn bằng cách phẫu thuật phía bên trong mũi, rạch một đường nhỏ tại vách ngăn và lấy bỏ sụn hoặc xương vách ngăn bị vẹo. Sau phẫu thuật, các vật liệu mềm có thể được đặt bên trong mũi để giữ vững vách ngăn cho đến khi nó tạm lành. Ưu điểm của chỉnh hình vách ngăn là tương đối an toàn, ít xảy ra các biến chứng. Các biến chứng của phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi bao gồm: Nhiễm trùng, chảy máu, thủng vách ngăn hoặc mất hoàn toàn khứu giác do tổn thương thần kinh (không ngửi thấy mùi)

 

Mọi yêu cầu, thắc mắc về sức khoẻ của bạn xin gọi điện thoại hay gởi e-mail đến PHÒNG KHÁM ĐA KHOA MEDIC để được các  bác sĩ chuyên khoa  giải đáp và tư vấn tận tình.

MEDIC CITY

TRỤ SỞ CHÍNH

Địa chỉ: 4/27A quang trung, Ấp Nam Thới,Xã Thới Tam Thôn. Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh

Website :phongkhammediccity.com

Hotline: 0326 31 79 79

Email: medichcm@gmail.com

Nguồn:https://vinmec.com/vi/