Những điều cần biết khi điều trị thuốc kháng đông

Những điều cần biết khi điều trị thuốc kháng đông
10:29:56 04/02/2021

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Thúy Hằng - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu 

Những loại thuốc dùng trong điều trị và phòng ngừa cục máu đông được gọi là thuốc kháng đông. Gồm 2 nhóm: Thuốc kháng đông trực tiếp đường uống: Apixaban, Dabigatran, Edoxaban, Rivaroxaban, những thuốc này tác dụng ức chế chức năng của yếu tố đông máu đặc hiệu. Warfarin hay còn gọi kháng vitamin K, có tác dụng ức chế cơ thể sử dụng vitamin K trong việc tạo thành cục máu đông.

1. Tôi cần làm gì nếu dùng một trong những loại thuốc này?

Điều đó phụ thuộc vào loại thuốc bạn dùng. Thuốc của bạn sẽ đi kèm với hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Dưới đây là một số vấn đề bạn cần lưu ý:

  • Biết độ mạnh của thuốc, viên thuốc trông như thế nào và lý do bác sĩ kê đơn thuốc đó cho bạn - Độ mạnh của thuốc được tính bằng miligam ("mg"). Nếu màu sắc, hình dạng hoặc liều lượng thuốc của bạn trông khác với những viên thuốc bạn đã uống trước đó, hãy kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn.
  • Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ - Uống thuốc vào cùng thời điểm mỗi ngày. Dabigatran nên được uống với một cốc nước đầy sau bữa ăn.
  • Không tự ý đổi liều hoặc ngưng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ. Khi bạn quên hoặc bỏ lỡ một liều, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cần phải làm gì.
  • Sử dụng hộp phân thuốc có ngăn, điều này giúp theo dõi thuốc của bạn và đảm bảo bạn đã dùng thuốc đủ liều. Một ngoại lệ là Dabigatran, thuốc nên được bảo quản trong chai hoặc hộp đóng gói ban đầu.
  • Kiểm tra xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ: Nếu bạn dùng kháng đông warfarin, trước tiên, bạn sẽ cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra xem máu đông như thế nào. Xét nghiệm này được gọi là "PT và INR", điều này rất quan trọng để đảm bảo bạn nhận được liều warfarin chính xác cho mình. Khi bạn sử dụng liều duy trì thông thường, bạn không cần phải kiểm tra PT và INR thường xuyên, trừ khi chế độ ăn uống của bạn thay đổi, bạn bị ốm hoặc bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới. Nếu bạn dùng apixaban, dabigatran, edoxaban hoặc rivaroxaban, bạn sẽ không cần xét nghiệm đông máu thường xuyên để kiểm tra xem thuốc hoạt động như thế nào. Tuy nhiên, bác sĩ của bạn thỉnh thoảng chỉ định làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận hoặc gan của bạn.

Lấy máu xét nghiệm

Người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu trong quá trình điều trị

 

  • Hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào - Điều này bao gồm thuốc theo toa hoặc thuốc không kê đơn, thảo mộc và vitamin. Một số loại thuốc hoặc dược phẩm có thể tương tác hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động thuốc kháng đông, đặc biệt là Warfarin. Vì vậy, điều rất quan trọng là bạn phải kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào hoặc ngừng bất kỳ loại thuốc nào bạn đã dùng.
  • Không sử dụng các loại thuốc có chứa "NSAID" để điều trị đau hoặc sốt ngoại trừ trường hợp bạn đã trao đổi với bác sĩ. NSAID là một nhóm thuốc bao gồm aspirin, ibuprofen (biệt dược: Advil, Motrin) và naproxen (biệt dược: Aleve, Naprosyn), chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt nếu kết hợp với thuốc kháng đông. Ngoài ra, cần thông báo đến mọi bác sĩ kê đơn cho bạn, nhân viên bán thuốc việc bạn đang dùng thuốc kháng đông, bằng cách đó họ có thể chọn lựa thuốc phù hợp với bạn.
  • Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống: Nếu bạn đang dùng apixaban, dabigatran, edoxaban hoặc rivaroxaban, không có nhiều quy tắc về chế độ ăn uống. Trong một số trường hợp, nên dùng rivaroxaban cùng với thức ăn; Nếu bạn dùng warfarin – kháng đông kháng vitamin K, bạn sẽ cần chú ý đến lượng vitamin K trong chế độ ăn uống của mình vì vitamin K ảnh hưởng đến hoạt động của warfarin. Nếu lượng vitamin K trong chế độ ăn uống của bạn thay đổi hàng ngày, điều này có thể làm cho warfarin không hoạt động tốt. Tuy nhiên, bạn không cần phải tránh thực phẩm có vitamin K, vì đây thường là những thực phẩm lành mạnh và một chút vitamin K là tốt. Bạn nên ăn một lượng tương tự vitamin K từ thực phẩm mỗi ngày, không bổ sung vitamin K trừ khi bác sĩ yêu cầu. Một số loại rau lá xanh và các loại rau khác có nhiều vitamin K như: rau xanh, củ cải đường, rau xoắn, mù tạc, củ cải trắng, củ cải đỏ, rau bó xôi, . . .
  • Khi bạn bệnh, cần thông báo đến bác sĩ điều trị. Trường hợp bạn nôn ói, tiêu chảy, sốt hoặc bạn không thể ăn được khi đang dùng warfarin, ạn có thể cần kiểm tra xét nghiệm đông máu và hoặc thay đổi liều warfarin.
  • Đeo thẻ cảnh báo y tế: Luôn đeo vòng tay, vòng cổ hoặc mang thẻ cảnh báo để thông báo việc bạn đang dùng thuốc kháng đông, loại thuốc, cùng số điện thoại và tên của người thân trong trường hợp liên hệ khẩn cấp. Bằng cách đó, nếu bạn bị tai nạn và không thể giải thích tình trạng của mình, mọi người sẽ biết cách chăm sóc cho bạn.
  • Các thuốc kháng đông không được khuyến cáo dùng trong thai kỳ. Do đó, nếu bạn dự tính mang thai hoặc phát hiện mang thai, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Quan hệ nhưng không dùng biện pháp có thai không

Cần thông báo với bác sĩ ngay khi phát hiện mang thai

2. Những yếu tố nguy cơ khi dùng thuốc kháng đông

Các thuốc kháng đông có tác dụng ngăn ngừa cục máu đông, tuy nhiên cũng gây chảy máu khó cầm do chấn thương hoặc chảy máu tự phát. Vì vậy điều quan trọng là phải bảo vệ bạn khỏi những chấn thương và điều trị sớm khi có dấu hiệu chảy máu.

Gọi bác sĩ ngay khi:

  • Dùng thuốc quá liều hoặc không thể dùng thuốc của bạn vì bất kỳ lý do gì.
  • Bị té ngã, chấn thương
  • Có bất kỳ dấu hiệu chảy máu bất thường nào:
    • Chảy máu tiêu hóa: khó chịu dạ dày hoặc nôn dịch nâu đen, đỏ. Đi cầu phân sệt, nâu đen, đỏ.
    • Đau đầu, chóng mặt, nói đớ, tê yếu tay chân
    • Chảy máu mũi khó cầm.
    • Tiểu nâu hoặc đỏ sẫm.
    • Chảy máu nướu răng sau đánh răng.
    • Ra huyết âm đạo bất thường giữa kỳ kinh hoặc cường kinh.
    • Bầm da nhiều hơn sau một chấn thương nhẹ.
  • Nôn ói, tiêu chảy hoặc không thể ăn gì hơn 24 giờ.
  • Sốt ( nhiệt độ > 38 độ C).

3. Bạn cần làm gì để giảm nguy cơ chảy máu?

Đề phòng té ngã như hạn chế đi trên bề mặt trơn trượt, leo trèo cao.

Tránh các môn thể thao gây thương tích.

Cẩn thận khi cầm các dụng cụ sắc nhọn hoặc tránh chúng khi có thể ví dụ dao sắc, cưa và dao cạo có cạnh thẳng.

Luôn thắt dây an toàn trong xe hơi và đội mũ bảo hiểm nếu bạn đi xe đạp hoặc mô tô

Tránh uống rượu vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Cần thông báo với bác sĩ, nha sĩ việc bạn đang dùng thuốc kháng đông, tên thuốc khi bạn cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật.

Mọi yêu cầu, thắc mắc về sức khoẻ của bạn xin gọi điện thoại hay gởi e-mail đến PHÒNG KHÁM ĐA KHOA MEDIC để được các  bác sĩ chuyên khoa  giải đáp và tư vấn tận tình.

MEDIC CITY

TRỤ SỞ CHÍNH

Địa chỉ: 4/27A quang trung, Ấp Nam Thới,Xã Thới Tam Thôn. Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh

Website :phongkhammediccity.com

Hotline: 0326 317 979

Email: medichcm@gmail.com

Nguồn:https://vinmec.com/vi/