Nội soi tai mũi họng có đau không?

Nội soi tai mũi họng có đau không?
08:06:04 01/02/2021

Nội soi tai mũi họng là kỹ thuật đang được áp dụng rộng rãi, giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh lý ở các cơ quan tai, mũi, họng một cách chính xác. Quá trình thực hiện kỹ thuật khá đơn giản và rất an toàn đối với bệnh nhân.

1. Nội soi tai mũi họng là gì?

Nội soi tai mũi họng là một thủ thuật thăm khám cho bệnh nhân bằng cách sử dụng ống nội soi chuyên dụng có gắn camera và kính chuyên dụng ở 2 đầu, đưa vào các ngóc ngách ở vùng tai, mũi, họng. Từ đó, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp, rõ nét bên trong các cơ quan này thông qua màn hình hiển thị. Kỹ thuật nội soi tai mũi họng được chỉ định sử dụng để chẩn đoán và phát hiện các bệnh lý thường gặp ở tai mũi họng như vẹo vách ngăn mũi, viêm xoang, có vấn đề về cấu tạo hốc mũi, khối u thanh quản, viêm tai giữa, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, rối loạn vận động vòi nhĩ gây ù tai,... Ưu điểm của kỹ thuật này là giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, đưa ra biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời.

XEM THÊM: Các bước nội soi Tai Mũi Họng

Theo đó, khi có những dấu hiệu dưới đây, bệnh nhân nên đi thực hiện nội soi tai mũi họng:

  • Thường xuyên bị ù tai, nghe kém, đau tai, ngứa tai và chảy mủ tai;
  • Có các dấu hiệu nghi ngờ viêm xoang như nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, hắt hơi thường xuyên,...;
  • Hay bị chảy máu mũi, bị khàn tiếng kéo dài, hay hụt hơi khi nói, mất khả năng ngửi;
  • Bệnh nhân nghi ngờ mắc ung thư vòm họng hoặc viêm amidan làm nghẹt 2 bên mũi, nghẹt mũi nhiều hơn khi nằm, chảy mũi xanh, nói giọng mũi, thường khịt mũi;
  • Người bị ho dai dẳng, ho ra máu, đau họng, khàn tiếng, hơi thở hôi, khó nuốt;
  • Người mắc các dị tật ở tai, mũi, họng,...

Nội soi tai mũi họng cho phép đánh giá tổng quan về tình trạng tai mũi họng

2. Hướng dẫn nội soi tai mũi họng

2.1 Chuẩn bị

  • Đội ngũ điều dưỡng: Mang găng tay, đeo khẩu trang y tế; sát khuẩn ống nội soi rồi đưa cho bác sĩ;
  • Đội ngũ bác sĩ: Giải thích cho bệnh nhân về thủ thuật; mang găng tay và khẩu trang y tế.

2.2 Thực hiện nội soi

  • Nội soi tai: Bệnh nhân ngồi thẳng lưng. Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi, đưa xuống theo tư thế thẳng theo trục ống tai ngoài để quan sát ống tai ngoài, màng nhĩ và cán búa;
  • Nội soi mũi:
    • Bệnh nhân ngồi ngả đầu ra phía sau một góc 15°;
    • Bác sĩ đặt 1 đoạn bông gòn được tẩm thuốc co mạch và thuốc tê vào mũi bệnh nhân. Sau 5 phút, bác sĩ lấy miếng bông gòn ra và bắt đầu nội soi mũi;
    • Bác sĩ dùng ống nội soi chuyên dụng, đưa vào mũi theo hướng từ trước ra sau, quan sát các cấu trúc trong mũi;
    • Trường hợp có chỉ định, bác sĩ làm sạch bệnh tích, hút sạch máu đọng, chất nhầy và bấm sinh thiết;
  • Nội soi họng - thanh quản: Người bệnh duy trì tư thế ngồi thẳng, 2 chân buông thẳng. Bác sĩ nhẹ nhàng đưa ống nội soi vào họng trên bề mặt lưỡi theo hướng ngoài vào trong. Bác sĩ sẽ quan sát bề mặt lưỡi, lưỡi gà, 2 amidan, eo họng, xoang lê 2 bên, đáy lưỡi thanh nhiệt, sụn phễu, thanh môn và dây thanh.

Trong quá trình thực hiện, đội ngũ điều dưỡng và bác sĩ theo dõi cẩn thận tình trạng bệnh nhân. Cuối cùng chụp hình, lưu hình và kết quả chẩn đoán vào máy tính để dễ dàng theo dõi tình trạng bệnh.

Quy trình nội soi tai mũi họng

3. Thủ thuật nội soi tai mũi họng có đau không?

Trước đây, kỹ thuật thuật nội soi tai mũi họng sử dụng ống soi cứng nên gây đau rát, khó chịu cho bệnh nhân khi đầu ống nội soi chạm vào niêm mạc mũi, họng. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở y tế đều sử dụng ống nội soi mềm nên đã khắc phục được tình trạng này. Thực tế, quy trình thực hiện kỹ thuật nội soi tai mũi họng tốn rất ít thời gian (khoảng 5 - 10 phút) và không gây đau đớn cho bệnh nhân. Bác sĩ đều sẽ thăm khám, đánh giá tình trạng của người bệnh trước khi quyết định thực hiện nội soi. Bên cạnh đó, bác sĩ còn có thể sử dụng các loại thuốc co mạch, thuốc gây tê hoặc gây mê trước khi thực hiện nội soi. Thuốc co mạch giúp các cấu trúc ở mũi nở rộng, việc soi trở nên dễ dàng hơn. Thuốc tê làm mất cảm giác của niêm mạc mũi nên người bệnh cũng không thấy đau. Từ đó, giảm cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một số ít trường hợp người bệnh có thể cảm thấy khó chịu nếu hốc mũi hẹp, họng có nhiều phản xạ, vách ngăn vẹo nhiều nên chèn ép khe mũi,... Kỹ thuật này cũng rất ít xảy ra tai biến. Tai biến chỉ xuất hiện nếu người bệnh (đặc biệt là trẻ nhỏ) phản ứng la hét, quẫy đạp hoặc không thở được do lo sợ, tím tái mặt,... Biến chứng nhẹ, có thể là chảy máu vì va chạm với thân ống nội soi hoặc bị thủng màng nhĩ (ít gặp).

XEM THÊM: Trẻ sơ sinh có thể nội soi tai mũi họng?

Thủ thuật nội soi tai mũi họng thường không gây đau đớn do có sử dụng thuốc gây tê

4. Lưu ý cho bệnh nhân khi được chỉ định thực hiện nội soi tai mũi họng

Một số lưu ý khi được thực hiện nội soi tai mũi họng như sau:

  • Trao đổi kỹ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình trước khi nội soi, đặc biệt là nếu cần dùng thuốc gây tê hay gây mê;
  • Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mà mình đang sử dụng, đặc biệt là aspirin hay các thuốc làm loãng máu;
  • Cần có người thân đi cùng để đưa về nhà sau khi làm thủ thuật, đặc biệt là sau khi gây mê;
  • Tuân thủ đúng theo hướng dẫn chi tiết của nhân viên y tế;
  • Giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái khi đi nội soi, tránh lo âu, căng thẳng;
  • Đến bệnh viện nếu có những triệu chứng bất thường sau nội soi tai mũi họng như buồn nôn, chóng mặt, chảy nước mũi dai dẳng,...

Phương pháp nội soi tai mũi họng giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện một số bệnh lý ở các cơ quan này, từ đó có biện pháp can thiệp và điều trị an toàn, hiệu quả. Bệnh nhân nên giữ tâm lý thoải mái khi nội soi để quá trình thực hiện diễn ra suôn sẻ, mang lại kết quả tốt nhất.

 

 

Mọi yêu cầu, thắc mắc về sức khoẻ của bạn xin gọi điện thoại hay gởi e-mail đến PHÒNG KHÁM ĐA KHOA MEDIC để được các  bác sĩ chuyên khoa  giải đáp và tư vấn tận tình.

MEDIC CITY

TRỤ SỞ CHÍNH

Địa chỉ: 4/27A quang trung, Ấp Nam Thới,Xã Thới Tam Thôn. Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh

Website :phongkhammediccity.com

Hotline: 0326 317 979

Email: medichcm@gmail.com

Nguồn:https://vinmec.com/vi/