Tổng quan về Xét Nghiệm HbA1c và eAG

Tổng quan về Xét Nghiệm HbA1c và eAG
05:29:45 19/01/2021

Còn gọi là: Hemoglobin A1c; HbA1c; Glycohemoglobin; Glycated hemoglobin; Glycosylated hemoglobin. Tên chính thức: A1c và eAG (ước lượng Glucose máu trung bình=estimated Average Glucose). 

A-Tổng quan

-Tại sao phải xét nghiệm? Để theo dõi kiểm soát tình trạng đái tháo đường của người bệnh và giúp đưa ra những quyết định trong điều trị

-Khi nào phải xét nghiệm? Khi được chẩn đoán đái tháo đường lần đầu tiên và sau đó từ 2 đến 4 lần mỗi năm

-Mẫu máu xét nghiệm? Lấy mẫu máu ở tĩnh mạch tay, hoặc ở đầu ngón tay bằng lancet

-Cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi xét nghiệm? Không

B-Mẫu xét nghiệm

1. Nội dung xét nghiệm?

- Xét nghiệm A1c đánh giá lượng đường máu trung bình trong 2 đến 3 tháng sau cùng, bằng cách đo nồng độ  glycated (còn được gọi là glycosylated) hemoglobin A1c.

- Hemoglobin là một protein chuyên chở oxygen có trong hồng cầu. Đã nhận dạng được vài loại hemoglobin và nhiều biến thể hemoglobine (hemoglobin variants), tuy nhiên hemoglobin A chiếm ưu thế nhất, khoảng 95-98%. Hemoglobin A còn được phân chia thành nhiều thành phần nhỏ khác, một trong những thành phần đó là hemoglobin A1c. Khi lưu thông trong máu, một lượng glucose tự động kết dính với hemoglobin A.  Các phân tử glucose-hemoglobin hình thành được gọi là đã glycat hóa (glycated).

- Nồng độ glucose trong máu càng cao thì lượng phân tử glycated hemoglobine hình thành càng nhiều. Một khi glucose kết dính với hemoglobine, nó sẽ tồn tại cùng với vòng đời của một hồng cầu, trung bình là 120 ngày.

- Sự kết hợp giữa glucose và hemoglobin A được gọi là HbA1c hoặc A1c. A1c được tạo ra mỗi ngày, đào thải dần khỏi máu khi các hồng cầu già cỗi chết đi và được thay thế bởi các hồng cầu mới (chứa hemoglobine chưa glycat hóa).

- Phương thức diễn đạt kết quả A1c hiện vẫn đang được cải tiến.

Ở Mỹ, A1c thường được diễn đạt bằng tỉ lệ phần trăm, và Hiệp Hội Đái Tháo Đường Mỹ (American Diabetes Association=ADA) khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường nên giữ sao cho tỉ lệ A1c này dưới 7%.

- Đồng thuận năm 2007 giữa Hiệp Hội Đái Tháo Đường Mỹ (ADA), Hiệp Hội Nghiên Cứu về Đái Tháo Đường Châu Âu (European Association for the Study of Diabetes), Liên Đoàn Quốc Tế về Hóa Học Lâm Sàng và Xét Nghiệm Y Khoa (IFCC), và Liên Đoàn Đái Tháo Đường Quốc Tế đã khuyến cáo diễn đạt A1c trên toàn thế giới bằng 3 cách sau:

+ Theo phần trăm 

+ Bằng đơn vị IFCC (mmol/mol)

+ Bằng ước lượng glucose máu trung bình (estimated Average Glucose=eAG), dựa trên công thức tính toán từ nghiên cứu của ADAG với đơn vị là mg/dl hoặc mmol/l.

2- Lấy mẫu máu xét nghiệm?

Lấy máu tĩnh mạch cánh tay hoặc chích đầu ngón tay lấy 1 giọt máu để phân tích.

3 -Có cần phải chuẩn bị gì đặc biệt để kết quả được chính xác?

Không cần chuẩn bị gì đặc biệt.

C-Xét Nghiệm A1c

1-Sử dụng xét nghiệm?

- Xét nghiệm A1c và tính toán mức độ eAG được dùng chủ yếu để theo dõi lượng glucose của bệnh nhân đái tháo đường theo thời gian. Mục tiêu của bệnh nhân đái tháo đường là làm sao giữ cho lượng đường máu của mình càng gần với mức bình thường càng tốt. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các biến chứng do lượng đường máu tăng mạn tính gây ra: tổn thương ở các cơ quan như thận, mắt, hệ tim mạch, và thần kinh.

- Xét nghiệm A1c và kết quả eAG cho ta một hình ảnh về lượng đường glucose trung bình trong máu trong thời gian vài tháng trở lại. Chúng sẽ giúp đánh giá xem các biện pháp điều trị có thật sự hiệu quả.

- Xét nghiệm A1c thường được dùng để giúp những bệnh nhân mới được chẩn đoán đái tháo đường xác định xem lượng đường của họ tăng cao đến mức độ nào khi chưa được kiểm soát.

Có thể chỉ định xét nghiệm vài lần trước khi kiểm soát được đường huyết, và sau đó mỗi năm thực hiện vài lần để kiểm tra xem có giữ được đường huyết ở mức độ ổn định.

2- Khi nào chỉ định xét nghiệm?

- Tùy thuộc vào týp đái tháo đường, kiểm soát tốt tình trạng đái tháo đường ra sao, có thể chỉ định A1c khoảng 2 đến 4 lần mỗi năm.

- Hiệp Hội Đái Tháo Đường Mỹ khuyến cáo xét nghiệm A1c mỗi năm ít nhất 2 lần. Có thể chỉ định xét nghiệm A1c thường xuyên hơn khi bệnh nhân mới được chẩn đoán đái tháo đường hoặc khi đường huyết chưa được kiểm soát tốt,.

3-Ý nghĩa kết quả?

- Kết quả A1c hiện đang được tính bằng tỉ lệ phần trăm, và khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường phấn đấu duy trì A1c ở mức độ dưới 7%.

- Kết quả xét nghiệm A1c có thể được trả kèm với ước lượng glucose máu trung bình (estimated Average Glucose=eAG), được tính toán trên cơ sở mức độ A1c.

- Báo cáo thêm kết quả eAG nhằm mục đích giúp bệnh nhân liên hệ kết quả A1c của mình với việc kiểm soát glucose máu hàng ngày.

- Công thức tính eAG giúp chuyển đổi % A1c sang các đơn vị mg/dL hoặc mmol/L.

- Cần lưu ý rằng eAG mới chỉ là phương tiện để đánh giá lượng đường trung bình trong máu trong vài tháng sau cùng mà thôi. Do đó, kết quả sẽ không thể khớp chính xác với kết quả đường huyết được đo hàng ngày.

- Người không bị đái tháo đường có giá trị A1c trong khoảng 4% đến 6%.

- Bệnh nhân đái tháo đường càng cố gắng duy trì chỉ số A1c ở mức độ 6% mà không để xảy ra những đợt hạ đường huyết, thì bệnh đái tháo đường của họ càng được kiểm soát tốt.

- Khi A1c và eAG tăng thì nguy cơ biến chứng cũng tăng theo.

4-Những vấn đề cần biết thêm?

- Kết quả xét nghiệm A1c không phản ánh những tăng, giảm cấp tính và tạm thời của đường huyết.

- Các biến đổi đường huyết nhanh chóng ở những bệnh nhân có tình trạng đái tháo đường “thoáng qua” sẽ không được A1c ghi nhận.

- Khi người bệnh có những biến thể của hemoglobin trong máu, như hemoglobin của bệnh hồng cầu liềm (hemoglobin S), lượng hemoglobin A sẽ giảm.

Điều này có thể hạn chế ích lợi của xét nghiệm A1c trong việc theo dõi quản lý bệnh đái tháo đường. Khi người bệnh bị thiếu máu, tán huyết, xuất huyết nặng, kết quả A1c có thể thấp giả tạo.

- Khi bệnh nhân thiếu sắt, kết quả A1c có thể tăng.

- Khi bệnh nhân mới được truyền máu gần đây, kết quả A1c có thể tăng giả tạo do các dung dịch bảo quản máu thường chứa một lượng glucose cao và vì thế sẽ không phản ánh chính xác hiệu quả việc kiểm soát đường huyết trong vài tháng sau cùng.

D-Các câu hỏi thường gặp

1-Tính toán ước lượng glucose máu trung bình (estimated Average Glucose=eAG) ra sao?

Công thức của ADAG dùng để tính eAG từ kết quả A1c là:

    28.7 X A1c – 46.7 = eAG

Ví dụ A1c là 6%. Kết quả eAG sẽ là:

    28.7 X 6 – 46.7 = 126 mg/dl

Ước lượng glucose máu trung bình (estimated average glucose) sẽ là 126 mg/dl.

Khi A1c tăng 1%, glucose máu trung bình sẽ tăng khoảng 29 mg/dl.

2- Có thể tự xét nghiệm A1c ở nhà?

Có. FDA có phê chuẩn một số xét nghiệm A1c để người bệnh tự thực hiện tại nhà. Cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

3- Xét nghiệm A1c có được dùng để tầm soát hoặc chẩn đoán đái tháo đường hay không?

- Đây là một câu hỏi đang được đặt ra cho cộng đồng y khoa, tuy nhiên xét nghiệm A1c hiện chưa được khuyến cáo sử dụng cho các mục đích kể trên.

- Lợi điểm của xét nghiệm A1c là có thể được thực hiện mà không cần nhịn đói, và cho ra kết quả mức độ glucose máu ước lượng trong vài tháng gần nhất.

Tuy nhiên, những tình trạng bệnh lý như thiếu máu hoặc sự hiện diện các biến thể của hemoglobin có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Hiện nay vẫn chưa xác định được các giá trị cutoff để so sánh những kết quả xét nghiệm A1c ngõ hầu có thể sử dụng chúng trong tầm soát hoặc chẩn đoán đái tháo đường.

BS. ĐỒNG NGỌC KHANH -  BV Đa Khoa Hoàn Mỹ SàiGòn

Theo tài liệu của American Diabetes Association, European Association for the Study of Diabetes và IFCC